modern slavery and exploitation
Tệ nạn của chủ nghĩa tư bản thời hiện đại
Chế độ nô lệ tại Mỹ bắt nguồn từ đầu thế kỷ 17, ngay sau khi các khu định cư đầu tiên của người châu Âu tại Mỹ được thiết lập. Cùng lúc đó, chủ nghĩa tư bản cũng được chính thức xác lập như một hình thái xã hội tại Hà Lan và Anh, và việc xem những nô lệ như một tài sản là một việc hoàn toàn hợp pháp thời bấy giờ.
Đa số những nô lệ tại Mỹ đều bị bán hoặc bị bắt từ những nước châu Phi và Ấn Độ, và phải trải qua một chặng đường rất dài và gian nan trên biển Thái bình dương để có thể đặt chân đến nước Mỹ. Cụ thể hơn là những nô lệ da đen bị cùm chân, nhốt trong những khoang tàu chật chội và bị đối xử không khác gì súc vật, và cứ 100 người sang được đến Tân Thế giới thì có khoảng một phần tư bị chết trong suốt hành trình dài này.
Tuy nhiên, sau phong trào đại thức tỉnh lần thứ hai tại Mỹ, phong trào bãi nô đã được chính thức phổ cập một cách rộng rãi hơn, và sau hơn mấy chục năm đổ máu, mồ hôi và nước mắt, chế độ nô lệ đã được chính thức bãi bỏ sau cuộc nội chiến, thông qua Tu chính án 13 vào năm 1865.
Nhưng liệu những sự bóc lột sức lao động của chủ nghĩa tư bản có thật sự đã biến mất theo cuộc nội chiến chưa?
Ngày nay, khi chủ nghĩa tư bản đang được mở rộng và trở nên phổ biến hơn, nhiều người dân lao động vẫn đang khổ cực khi bán bỏ sức khoẻ và thời gian của mình để đổi lấy những đồng bạc lẻ còn dư ra từ lợi nhuận, và càng tệ hơn khi nhiều nhà tư bản vẫn chưa ý thức được tội ác của mình trong việc bóc lột sức lao động của nhân sự và xem việc mua bán sức lao động giá rẻ này là một điều tất yếu trong việc kinh doanh.
Những tin tức về tai nạn lao động liên tục được đưa lên cũng chính là một sự bóc lột sức lao động, khi các nhà tư bản ưu tiên việc cắt giảm chi phí và xem thường mạng sống của nhân sự. Không chỉ thế, họ còn không ngại việc thao túng tâm lý các nhân sự của mình để tiếp tục làm việc trong một môi trường độc hại và gây nguy hiểm đến sức khoẻ.
Vào những năm 1920, có rất nhiều phụ nữ tại Mỹ làm công việc sơn mặt đồng hồ bằng sơn gốc radium phát sáng trong bóng tối. Họ được chỉ thị phải dùng môi/lưỡi để mài cọ, và mỗi lần như thế, họ lại nuốt phải một lượng nhỏ radium. Việc tiếp xúc này dẫn đến các vấn đề sức khỏe nghiêm trọng, bao gồm gãy xương, hoại tử hàm (được gọi là "hàm radium"), thiếu máu và ung thư.
Thay vì ưu tiên sức khỏe của người lao động và ngưng việc sử dụng radium một cách trực tiếp như thế, thì các nhà quản lý lại nói với họ rằng radium là "vô hại". Trong khi đó, các nhà khoa học cùng công ty khi nghiên cứu và xử lý radium đã phải đeo tạp dề và dùng kẹp chì.
Rõ ràng các doanh nghiệp hoàn toàn nhận thức được mối nguy hiểm của radium, nhưng lại cố tình che giấu điều đó. Phải mãi đến khi có quá nhiều vụ kiện tụng và chịu áp lực của vô vàn sự phản đối của công chúng thì các doanh nghiệp mới chịu cải thiện các tiêu chuẩn an toàn và việc sử dụng radium trong những bối cảnh như vậy cũng đã bị ngừng lại.
Nhưng việc bóc lột sức lao động vẫn không dừng lại ở đó, mà thậm chí, một số nước vẫn còn đang tiếp tục nuôi dưỡng chế độ nô lệ theo nhiều hình thức khác nhau, như Triều Tiên, người dân nơi đây bị ép buộc phải làm việc bởi chính phủ, hoặc như Cambodia và Indonesia, khi người dân các nước lân cận thường xuyên bị lừa sang đấy để làm việc một cách cưỡng bức.
Khi chúng ta nghĩ chế độ nô lệ chỉ còn hiện hữu tại những nước cổ hữu và không tân tiến, thì vào đầu năm 2017, một bộ phim được các nhà báo công phu ghi lại trong 2 năm khi họ theo dấu cuộc điều tra các vụ lạm dụng lao động và phỏng vấn các nạn nhân chế độ nô lệ hiện đại ở Anh phải làm việc 19 tiếng mỗi ngày không lương, bị đánh đập và lấy giấy tờ.
Và tất nhiên, chúng ta cũng không thể thiếu các vụ hôn nhân ép buộc và mại dâm. Các chị em phụ nữ và các bé gái, thậm chí là các bé trai, thường xuyên bị bắt cóc và bị bán đi nhằm phục vụ cho những nhu cầu dâm dục của những kẻ biến thái và ghê tởm mà đến cả một bộ phận nhỏ trên cơ thể của mình cũng không thể kiểm soát được.
Trong một xã hội mà chế độ nô lệ vẫn còn đang ngắm ngầm công khai hoạt động và con người vẫn còn bị xem như một tài sản, thì liệu đến bao giờ việc bóc lột sức lao động mới kết thúc đây?
Liệu chủ nghĩa tư bản có phải là gốc rễ của những vấn nạn này không? Hay là do pháp luật đang quá lỏng lẻo và lơ là với những tội ác này? Hoặc cũng có lẽ là do chế độ nô lệ ngày nay đã trở nên quá tinh vi chăng?
Nguồn:
1. Báo Công an Nhân dân; Chợ nô lệ - thị trường bất hợp pháp 50 tỉ USD/năm
2. Báo Công an Nhân dân; Nước Mỹ và thăng trầm của người da đen
3. Harcourt College Pub; Comparing Economic Systems: A Political-Economic Approach
4. Nghiên cứu Quốc tế; Chuyện người gốc Phi ở Mỹ: Đôi dòng lịch sử